Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga, một nghiên cứu sơ bộ trên hơn 236.000 bệnh nhân trong vòng 6 tháng sau khi khởi phát Covid-19 cho thấy tỉ lệ gặp biểu hiện thần kinh tâm thần hậu Covid-19 lên tới 33%. Tỉ lệ này còn cao hơn ở bệnh nhân phải nằm hồi sức, với 42%-46%.
Người mắc Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình TP HCM được nhân viên y tế hỗ trợ gọi điện thoại cho người thân - một biện pháp giúp bệnh nhân giảm stress, phòng ngừa những vấn đề tâm lý - tâm thần trong và sau bệnh Covid-19.
Các vấn đề tâm thần thường gặp nhất trong nhóm này là rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nữ giới, người có tiền sử rối loạn tâm thần, phải sử dụng corticoid khi điều trị Covid-19 có nguy cơ gặp các vấn đề này cao hơn.
Ngoài ra, phân tích 12 nghiên cứu khác trên tổng cộng 1.000 bệnh nhân cũng cho thấy 15%-80% gặp các vấn đề về nhận thức như giảm khả năng chú ý - tâp trung, trí nhớ, chức năng điều hành.
Đây là tỉ lệ gặp ở bệnh nhân người lớn. Trẻ em mắc Covid-19 có nguy cơ thấp hơn, chỉ 4%, trong đó thường gặp nhất là mệt mỏi (3%) và kém tập trung (2%).
Bác sĩ Phương Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ và can thiệp sớm cho nhóm bệnh nhân gặp vấn đề tinh thần hậu Covid-19 này. Các bệnh nhân nhẹ có thể tự kiểm soát với sự hỗ trợ chuyên môn, nếu trị liệu tâm lý đơn thuần không hiệu quả có thể được chỉ định dùng thuốc.
Cơ chế của tình trạng rối loạn thần kinh tâm thần hậu Covid-19 vẫn chưa rõ. Một số nghiên cứu cho rằng do virus tồn tại trong máu kéo dài, phản ứng viêm và miễn dịch, sang chấn tâm lý khi mắc bệnh.
Cũng tại hội nghị, báo cáo khác cùng chủ đề từ thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (Bệnh viện Hoàn Mỹ) gợi ý một số hoạt động có lợi cho người gặp vấn đề tâm lý - tâm thần hậu Covid-19: Tập thể dục, yoga; tham gia các hoạt động sáng tạo; đọc, viết và vẽ; ăn đúng, ngủ đủ; duy trì thời gian biểu như bình thường; tăng cường kết nối bằng cách gọi điện, thông qua mạng xã hội...