Một cảnh tượng diễn ra tại khoa mắt bệnh viện. Ông bố mắng con trai tầm 7 tuổi: “Nghịch điện thoại ít thôi, xem bây giờ mắt có nhìn thấy gì không”.
Cậu con trai trả lời: “Vậy sao ngày nào bố cũng xem điện thoại. Lúc con học, bố có học không?”.
Hai bố con không ai chịu nhường ai.
“Tao là bố mày, con cái lúc nào cũng chỉ biết cãi thôi”.
“Bố mắng con suốt ngày trong khi bố có khác gì con đâu”.
Cũng trong bệnh viện, cách hành xử của một ông bố khác khiến ai cũng nể phục. Trên lối đi có người qua lại, người bố đi cùng cậu con trai từng bước chậm chạp mà không tỏ ra sốt ruột, cậu bé không nghịch điện thoại mà lấy cuốn sách mang theo bên người ra đọc. Suốt hai tiếng đồng hồ, ông bố không đụng đến điện thoại. Học theo bố, cậu bé ngồi bên cạnh cũng nghiêm túc đọc sách.
Mấu chốt của giáo dục trước hết nằm ở tự giáo dục
Trong một gia đình, người cha là khuôn mẫu cho hành vi và thói quen của đứa trẻ, là ánh sáng dẫn đường cho con đường trưởng thành và là trụ cột sức mạnh cho thế giới tinh thần của con..
Nếu bố không thể quản lý bản thân tốt, mọi điều giáo dục đều là vô ích.
Ảnh minh họa.
Một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy chia sẻ câu chuyện, trong lớp cô có cậu bé trông sáng sủa, thông minh nhưng lại đầy rẫy những thói hư tật xấu. Sau nhiều lần cân nhắc, cô quyết định đến nhà cậu bé chơi, hy vọng có thể có 1 buổi nói chuyện với bố mẹ cậu.
Đầu tiên, cô giáo nói về việc cậu bé thường thích cắt ngang lời cô trong lớp, tư thế ngồi luôn lắc lư.
Bố cậu bé nói chen vào: “Con tôi nói vào giờ nào? Tôi chưa thấy giáo viên nào phản ánh như vậy”.
Trong khi nói chuyện, người bố đung đưa chân theo nhiều cách khác nhau. Cách giao tiếp, nét mặt và động tác này, cô giáo đều cảm thấy quá quen thuộc.
Cô giáo tiếp tục nói về vấn đề cậu bé thích chửi thề, tính tình hung bạo và hay tranh cãi với người khác.
Người bố đập tay xuống bàn: "Chết tiệt, thằng nhóc này, lại đây tao cho mày một bài học”.
Tất cả các vấn đề trong đứa trẻ đã tìm thấy câu trả lời từ người bố.
Nhà tâm lý học Bai Yanyi từng chỉ ra rằng hầu hết những thiếu sót của con cái đều đến từ người bố. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò của người bố có tác động không thể thay thế đối với việc học tập, nhân cách, tình cảm, phẩm chất và ý thức giá trị của trẻ.
Nếu người bố lầm lì, đừng mong con mình có kỷ luật;
Đừng buộc tội con bạn thiếu giáo dục nếu hành vi và thói quen của bạn thiếu chuẩn mực;
Nếu tầm nhìn của bạn không đủ rộng, đừng trách đứa trẻ thiển cận.
Nhà giáo dục Suhomlinski nói: "Mỗi người cha đều là một sứ giả. Chỉ khi sứ giả không ngừng học hỏi và sửa đổi những quan niệm và tính cách của chính mình thì những đứa con mà ông ấy nuôi dưỡng mới có thể đứng độc lập giữa đám đông”.
Thay vì liên tục thúc giục sau lưng con, điều mà người bố nên làm là đứng trước mặt con làm gương.
Kiềm chế tính nóng nảy, uốn nắn tính cách tốt cho trẻ
Hiệp hội nghiên cứu của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh đã tiến hành một thí nghiệm về mối quan hệ giữa di truyền và tính cách, kết quả cho thấy: “Trí thông minh của trẻ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ mẹ, trong khi tính cách của chúng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ bố. Một người bố có tính tình nhẹ nhàng, thích khen con sẽ giáo dục con tự tin, lạc quan và mạnh mẽ hơn”.
Tâm trạng ôn hòa của bố giống như ngọn hải đăng soi đường con đi về phía trước, luôn có thể mang đến ánh sáng và sức mạnh cho con.
Sự nóng nảy của người bố sẽ ngấm ngầm vào thái độ sống của đứa trẻ và trở thành một phần nhân cách của chúng. Người kiểm soát tốt tính nóng nảy có thể dạy con cái cách quản lý cảm xúc của mình.
Ảnh minh họa.
Yêu cầu tính tự giác để trẻ tiến bộ
Một đứa trẻ có kỷ luật tự giác xuất sắc thường được bao quanh bởi một người bố tự chủ, người luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ nó.
Vì vậy, khi con bạn lười biếng và không tìm cách tiến bộ, bạn cũng có thể im lặng, chứng minh con đường sống của chính mình cho con bạn.
Bố đúng thì con đúng.
Cho con một môi trường trưởng thành hạnh phúc
Một người bố từng hỏi giáo sư thần kinh học nổi tiếng Medina: "Giáo sư, nói cho tôi biết, làm thế nào tôi có thể giúp con trai tôi vào Đại học Harvard?"
Giáo sư trả lời: "Từ giờ trở đi, anh hãy về nhà và yêu thương vợ của mình".
Vì tâm trạng của vợ càng ổn định thì tâm trạng của gia đình càng ổn định, chỉ số hạnh phúc của cả nhà sẽ tăng cao, điểm số của con cái đương nhiên sẽ tốt hơn.
Người bố có thể sử dụng thời gian vốn dành cho việc lướt điện thoại, nhậu nhẹt và giao lưu để cùng mẹ làm việc nhà, cho mẹ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, thấu hiểu, thông cảm.
Gánh nặng trên vai mẹ bớt đi, nụ cười trên môi nhiều hơn, mẹ sẽ tự nhiên mang đến cho con bầu không khí gia đình đầm ấm, hòa thuận, hạnh phúc.
Ảnh minh họa.
Quản lý lời nói và hành động của bản thân và nuôi dưỡng hành vi tốt cho trẻ
Một nhà giáo dục người Anh từng nói: Lời nói và việc làm của người cha là người thầy thầm lặng, và hình mẫu có ý thức hay vô thức sẽ ảnh hưởng tinh tế đến đứa trẻ.
Muốn nuôi dạy con ngoan, bố phải làm gương, nghiêm khắc yêu cầu bản thân mọi lúc, mọi nơi, trong mọi việc. Nếu người bố có thể thường xuyên sửa đổi thái độ sống và cải thiện thói quen hành vi của mình, đứa trẻ sẽ theo bước chân của bố mình để trở nên tử tế và hướng thiện.
99% thành công của con đến từ 1% sự thay đổi của bố
Theo tâm lý giáo dục, vai trò của người mẹ là mang lại cảm giác an toàn, còn người bố là hình mẫu cho việc hình thành các năng lực và giá trị quan trọng của trẻ. Ảnh hưởng của một người bố đối với một đứa trẻ không phải là những gì bạn nói, mà là những gì bạn làm.
Có một ông bố thích uống rượu, ngày nào ông cũng đến quán rượu trong thị trấn. Một hôm tuyết rơi dày đặc, như thường lệ ông đi về phía tửu quán, đang đi bỗng cảm thấy có người đi theo mình.
Nhìn lại, hóa ra là đứa con trai nhỏ đã đi theo dấu chân của ông và hét lên một cách phấn khích: "Bố nhìn xem, tuyết dày như thế nào, con đang giẫm lên dấu chân của bố!"
Lời nói của con trai khiến ông bị sốc và nghĩ: Nếu mình đến quán rượu, con trai mình sẽ nối bước mình và tìm đến quán rượu. Vì vậy, ông thay đổi lộ trình và đi bộ đến thư viện ở cuối thị trấn. Từ đó, ông cũng từ bỏ thói quen uống rượu.
Chúng ta thường nói rằng thời điểm tốt nhất để trồng cây là mười năm trước, sau đó là bây giờ. Giáo dục cũng vậy, chỉ cần người cha sẵn sàng làm gương tốt cho con, thay đổi con thì không bao giờ là quá muộn.
Trước khi yêu cầu con trở thành "con nhà người ta", các ông bố cũng có thể trở thành "bố của người ta" trước. Nếu bạn đi một bước nhỏ, con bạn có thể tiến một bước lớn. Nếu bạn thay đổi một chút cho con bạn, đứa trẻ sẽ trả ơn bạn rất nhiều.
Theo Gia đình Online