Hình ảnh cháu bé 2 tuổi gày gò với nhiều vết thương trên cơ thể nghi bị bạo hành ở TP.HCM mới đây ám ảnh nhiều người. Ngày 12/4 vừa qua, bé K. (2 tuổi, sinh sống tại phòng trọ ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) được Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 với chẩn đoán đa tổn thương, gãy thân xương cánh tay, đa sây sát, bỏng da độ 1-2, chấn thương đầu.
Khai tại cơ quan công an, mẹ cháu bé đã thừa nhận có đánh con mình.
Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó, phần lớn do người thân quen với nạn nhân gây ra… Theo thống kê của Bộ Công an thì có đến 97% vụ việc này do chính bố mẹ, cha dượng, mẹ kế, người thân của các em gây ra.
Chúng ta đã có các luật, quy định về bảo vệ trẻ em. Xã hội cũng quan tâm tuyên truyền về nội dung này. Những hành vi bạo lực đối với trẻ khi bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm, nhưng vì sao bạo hành trẻ chẳng những không giảm mà còn tăng, nhiều vụ khi được phát hiện thì đã như cháu bé 2 tuổi vừa rồi, thậm chí có trẻ đã bị cướp đi mạng sống như bé N.T.V.A (8 tuổi) ở PT.HCM bị mẹ kế đánh chết, dù sống chung với cha ruột.
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải việc trẻ bị bạo hành, nhưng có một nguyên nhân ai cũng thấy rõ là trong mỗi gia đình, trẻ em bao giờ cũng là đối tượng yếu thế. Trong phần lớn các gia đình, con cái chỉ được nghe theo, làm theo chứ không có quyền nói lên tiếng nói của mình, kể cả lời nói, việc làm của cha mẹ chưa đúng. Khi con phản ứng lại thì bị người lớn cho là cãi lại, hư hỗn, thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với con.
Chưa kể, ở nhiều gia đình, những bức xúc của người lớn, cha mẹ từ cơ quan, từ ngoài đường hay từ bất cứ đâu cũng được đem về nhà trút lên đầu con trẻ. Có cha mẹ khi thấy con học hành thua bạn kém bè thì gây áp lực, la mắng, đánh đập. Nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và mệt mỏi khi sống cùng cha mẹ, người thân trong chính ngôi nhà của mình.
Ở trường lớp, với áp lực học hành, thi cử như hiện nay, các em không còn thời gian để vui chơi hay học hỏi các kỹ năng ứng xử xã hội. Ngày nào trẻ cũng như robot: Sáng lên xe bố mẹ chở đến trường, chiều bố mẹ đón đến lớp học thêm, có khi ăn cũng ở trên xe. Đến tận 9-10 giờ tối mới trở về nhà rồi lại ngồi vào bàn học chuẩn bị bài vở cho hôm sau.
Ở trường, thời gian dành cho các môn học về ứng xử xã hội quá ít, thậm chí có nơi không dạy vì còn dành thời gian cho các môn học được coi là "môn chính" để thi cử. Vì thế, rất nhiều trẻ trở nên thụ động, “nghe lời” người lớn và thầy cô một cách tuyệt đối, kể cả những lời nói, hành động chưa đúng và sai trái của người lớn. Đã xảy ra việc cô giáo chủ nhiệm tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) phát hiện em Hoàng L.N (SN 2007) nói tục, nên đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N. Lãnh đủ 231 cái tát từ các bạn và cô chủ nhiệm, em N đã phải nhập viện điều trị. Hay việc cô giáo chủ nhiệm phạt bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng mà các em vẫn phải “ngoan ngoãn” làm theo. Rồi rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trong chính những ngôi trường các em học nhưng nhiều em phải cam chịu, không biết cầu cứu người lớn như thế nào.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự thờ ơ của người lớn ngay tại nơi các em sinh sống. Phần lớn ai cũng coi chuyện “dạy con” là việc riêng, không liên quan đến mình. Ngay trong tâm lý nhiều cha mẹ, cũng không muốn người khác can thiệp vào chuyện dạy dỗ con cái. Vì thế, khi nghe thấy tiếng trẻ khóc lóc, van xin khi bị người lớn, bố mẹ đánh mắng thì gần như mọi người coi đó là chuyện rất bình thường trong mỗi gia đình. Ngay như chuyện bé N.T.V.A (8 tuổi) ở TP.HCM bị mẹ kế hành hạ, sau khi xảy ra sự việc, những người hàng xóm đều nói rằng họ nhiều lần nghe bé khóc lớn, nghe thấy tiếng đánh đập, chửi mắng nhưng không nghĩ sự việc nghiêm trọng đến thế nên không can thiệp.
Chúng ta có hội bảo vệ trẻ em nhưng hiếm thấy tổ chức này phát giác sự việc mà chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, báo đài đăng tin mới lên tiếng, vào cuộc một cách yếu ớt.
Chúng ta cứ nói về quan tâm, chăm sóc trẻ em - mầm non tương lai của đất nước - nhưng nếu từ mỗi gia đình, mỗi bậc làm cha mẹ và người lớn không thay đổi thói quen ứng xử với trẻ, tự cho mình cái quyền “người lớn chỉ có đúng” khi dạy trẻ sẽ không thể giảm nạn bạo hành trẻ.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, việc xử lý mâu thuẫn trong gia đình chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng nếu trẻ biết được quyền lợi của mình, người lớn biết được nghĩa vụ, trách nhiệm và những việc mình được làm với con trẻ thì sẽ giảm đi nhiều nạn bạo hành.
Hãy tạo cơ hội để trẻ em được thể hiện cảm xúc, chính kiến của mình từ trong gia đình, nhà trường, trước những lời nói và hành động của người lớn. Có như thế các em mới được phát triển một cách bình thường, biết cách tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm luôn rình rập./.