Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khái niệm F0, F1 nên bỏ. Bởi khái niệm F0, F1 chỉ là phân loại trong trường hợp dịch bệnh còn ít và chúng ta có thể khống chế theo kiểu Zero Covid. Còn thời điểm này, cùng với việc mở cửa, chấp nhận sống chung, thích ứng an toàn, số lượng F0 tăng lên nhanh chóng thì cũng dần coi bệnh COVID-19 là một bệnh thông thường.
Điều mà vị bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm lo ngại chính là cách quản lý người bệnh F0 hiện nay sẽ gây ra tình trạng bệnh nhân không biết dựa vào ai. Bởi khi trở thành F0 họ phải cách ly tại nhà và không được thăm khám bởi các chuyên gia y tế, rất khó khăn cho họ trong việc được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời.
Theo BS Phúc, có những trường hợp người bệnh quen biết bác sĩ đúng chuyên ngành, họ được hướng dẫn, tư vấn rất tốt. Tuy nhiên, trường hợp không tiếp cận được các bác sĩ thì dễ dẫn đến điều trị sai và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Trong khi đó PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, điều này giúp kiểm soát được tình hình dịch, tránh chủ quan, buông lỏng khi nguy cơ vẫn còn.
Theo PGS Phu, Bộ Y tế vẫn rất cẩn trọng, các quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch. Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển. “Vẫn phải giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh. Vẫn phải biết ai là F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch trên cả nước. Vấn đề là cách ly bao nhiêu ngày, có cách ly hay không sẽ cần tính toán thêm”- ông Trần Đắc Phu cho biết.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định thời điểm nào Việt Nam nên coi COVID-19 là bệnh thông thường sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Nới lỏng nhưng không thả lỏng
Với số ca mắc liên tiếp tăng nhanh, tỷ lệ bao phủ vaccine cao cũng gây ra tâm lý chủ quan của người dân với suy nghĩ “ai cũng trở thành F0”. Theo PGS Phu, biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình vẫn sẽ có người già, người bệnh nền, người chưa tiêm vaccine. Các ca nhập viện chuyển nặng trong thời gian qua đều là người già chưa tiêm vaccine, người bệnh nền. Vì vậy người dân không được chủ quan, vẫn phải tuyệt đối thực hiện 5K, trong nhà có người mắc COVID-19 thì phải cách ly với các thành viên khác.
“Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Nhiều người mắc COVID-19 có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên"- PGS Phu nêu rõ.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay.
“Phải kiểm soát ở mức độ nhất định để biến chủng này có tốc lây chậm lại một thời gian nữa, khi có miễn dịch cộng đồng tăng lên, không gây quá tải hệ thống y tế thì sẽ mạnh dạn nới lỏng được”- ông Phu nói.
Ý thức của người dân là yếu tố cốt lõi kiểm soát dịch
BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hệ thống các cơ sở y tế hiện nay của chúng ta đang là bệnh viện đa khoa, vì vậy rất nhiều đối tượng đến khám và tùy theo mục đích khám khác nhau. Với người bệnh lý COVID-19 nếu khám chung cùng các đối tượng khác thì dễ có nguy cơ lây chéo vì là bệnh lý truyền nhiễm. Vì thế, cần hệ thống phân luồng ngay từ đầu. Những trường hợp nào đi khám mục đích COVID-19 sẽ có luồng đi riêng.
Bên cạnh đó, những trường hợp bệnh nhân khám ngoại trú cho những bệnh lý khác cũng nên xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phân loại ngay từ đầu, tránh trường hợp bỏ sót ca mắc COVID-19.
“Cần điều tra dịch tễ, xét nghiệm nhanh với những trường hợp nghi ngờ. Mặc dù họ không đến khám COVID-19 nhưng chúng ta sẽ loại trừ để tránh lây nhiễm chéo”- BS Phúc cho biết.
Việc bao phủ vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất trong thời điểm hiện nay. Bây giờ để giảm số ca nhiễm thì rất khó vì đã mở cửa là chấp nhận số ca nhiễm tăng. Điều quan trọng lúc này là ý thức của người dân. Người dân sẽ tự bảo vệ mình, tránh tụ tập đông, người, đeo khẩu trang nơi công cộng, tiêm vaccine. Đó là những cách hợp lý, là yếu tố cốt lõi.
PGS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, giải pháp hạn chế tốc độ lây lan của biến chủng Omicron là người dân phải thực hiện nghiêm 5K, mở cửa các hoạt động để bình thường hóa nhưng không được thả cửa, phải có các phương án an toàn cho các hoạt động như: Lễ hội an toàn, du lịch an toàn, trường học an toàn… “Chúng ta nới lỏng nhưng không buông xuôi, thả lỏng. Đồng bộ cho mở cửa các hoạt động nhưng cũng phải đồng bộ dự phòng”- PGS Phu nêu rõ.
Theo VTC