Lòng nhân ái không phải là điều xa vời, mà có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ hằng ngày.
Một học sinh 7 tuổi xúc động đập ống heo ủng hộ các bạn đồng trang lứa; một nhóm học sinh Trường Tiểu học Tam Đông 2 (huyện Hóc Môn, TP HCM) nắn nót viết lời động viên trên những món quà gửi cho các bạn miền Bắc…
Những câu chuyện xúc động này đã chạm đến trái tim nhiều người, gợi lên vai trò quan trọng của việc dạy trẻ lòng nhân ái từ sớm.
Cha mẹ là tấm gương
Chị Hồng Vân (ngụ huyện Hóc Môn) kể từ nhỏ, chị thường nghe mẹ nói: "Có lòng nhân ái thì ắt sẽ trở thành người tử tế".
Đồng hành suốt thời thơ ấu của chị là những buổi đến trường, mò cua bắt ốc, hòa mình với thiên nhiên, chơi đùa với bạn bè. Sống cùng thiên nhiên nên tình yêu cỏ cây, hoa lá đến những sinh vật nhỏ bé như con giun, con dế… được vun bồi mỗi ngày. "Những lần vui đùa, thấy chú ếch bị rắn cắn, ngay lập tức chị em tôi tìm cách cứu, dù rất sợ. Mỗi khi trời mưa, đàn gà con chưa kịp vào chuồng, run rẩy vì lạnh, chị em tôi lại ôm từng con lau khô, bật đèn sưởi ấm rồi dùng khăn quấn chặt. Đêm giật mình cũng không quên ngó xem mấy con gà có ổn không" - chị Vân chia sẻ.
Đến khi lập gia đình, có 2 con, sống nhà phố, không có không gian hòa cùng thiên nhiên, chị Vân cố gắng đưa các con về nhà ông bà ngoại thường xuyên, nơi có khu vườn nhỏ trồng nhiều cây ăn trái và hoa.
Mỗi lần về, chị dẫn chúng ra vườn, dạy con nhổ cỏ, xới đất. "Có khi xới đất gặp con giun, tôi chuyển đi nơi khác. Lúc đó, con trai tôi (6 tuổi) hỏi: "Sao mẹ phải bỏ đi nơi khác?", tôi nhẹ nhàng giải thích: "Nếu tiếp tục đào, con giun có thể bị thương". Con nói: "Bị thương thì có sao đâu mẹ!". Tôi giải thích: "Giun giúp đất tơi xốp, làm cây cối tốt tươi, nếu con làm chúng chết sẽ ảnh hưởng đến đất" - chị Vân chia sẻ.
Theo chị Vân, trẻ con hay quan sát và đặt câu hỏi, những lúc đó, cha mẹ nên chủ động giải thích để con hiểu thế nào là lòng nhân ái và hãy bắt đầu từ cách ứng xử với những công việc nhỏ mỗi ngày.
Với chị Hạnh Nhi (quận 10, TP HCM), việc giúp đỡ ông bà lớn tuổi, sẻ chia với anh chị em trong gia đình là điều cần thiết. Bắt đầu từ việc phụ giúp ông bà dọn dẹp đồ ăn, thức uống sau mỗi bữa ăn đến việc nhường nhịn, giúp đỡ anh chị em ruột và bà con thân thuộc.
"Thông qua những hành động nhỏ như giúp đỡ việc nhà, hỏi han sức khỏe, trẻ sẽ học được cách bày tỏ lòng yêu thương. Biết quan tâm, sống có trách nhiệm với người thân thì khi ra ngoài xã hội trẻ sẽ biết yêu thương, giúp đỡ người khác" - chị Hạnh Nhi nêu kinh nghiệm.
Những ngày bão lũ, xem tivi, Facebook, TikTok…, các câu chuyện tang thương, đau lòng cứ hiện ra. Kèm theo không ít clip truyền cảm hứng về những câu chuyện nhân văn, sự vất vả, hy sinh của lực lượng công an, bộ đội khi giúp dân hay hình ảnh một cô giáo lấm lem bùn đất ăn vội gói mì tôm cùng mọi người dọn dẹp chuẩn bị cho học sinh quay lại trường…
"Tôi xem cùng các con rồi bàn luận về tinh thần tự hào dân tộc, "lá lành đùm lá rách", chia sẻ hoạn nạn lúc khó khăn…Nghe đến đâu, các con gật gù, xúc động đến đó, còn đòi đập ống heo quyên góp, gom giày dép, quần áo ra giặt để gửi đến các bạn ở vùng bị thiên tai. Theo tôi, lòng nhân ái phải được nuôi dưỡng, vun đắp mỗi ngày. Muốn có hoa thơm, quả ngọt, người trồng phải chăm bón bên cạnh môi trường thuận lợi như thời tiết, thổ nhưỡng" - chị Tâm Yến kết luận.
Sẻ chia là hạnh phúc
Trong khi đó, theo chị Thu An (quận 5, TP HCM), thầy cô giáo cũng ảnh hưởng không ít đến việc truyền dạy lòng nhân ái, tình yêu thương cho trẻ qua cách ứng xử với học sinh mỗi ngày.
"Hồi nhỏ, tôi may mắn được học với những thầy cô giáo rất tâm huyết với học trò. Không chỉ tận tụy truyền kiến thức, các thầy cô còn gieo mầm những hạt giống thiện lành.
Có lần, cô giáo tôi tất tả trong mưa vào bệnh viện thăm một học sinh bị sốt xuất huyết. Không ít lần, cô đến tận nhà thăm gia đình các bạn có hoàn cảnh khó khăn, định bỏ học để tìm cách giúp đỡ… Tôi cảm phục tấm lòng nhân ái của các thầy cô và luôn tự nhủ sẽ cố gắng học và trở thành người hữu ích" - chị Thu An nói.
Cũng theo chị Thu An, cách thức tổ chức các chương trình của nhà trường cũng sẽ truyền cảm hứng và lan tỏa lòng nhân ái cho học sinh. Ví dụ, gần như mỗi năm các trường đều tổ chức chương trình "Kế hoạch nhỏ", "Nụ cười hồng" nhằm quyên góp giúp đỡ những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Với mỗi chương trình, cần giải thích lợi ích của việc này, khơi gợi để học sinh hào hứng tham gia; cho các em hiểu tuổi nhỏ làm việc nhỏ nhưng nhiều việc nhỏ sẽ tạo nên niềm vui lớn cho những bạn khó khăn. Cũng có thể tổ chức cho học sinh đến thăm các trung tâm bảo trợ trẻ em, người già neo đơn. Những hoạt động này giúp trẻ hiểu rằng không phải ai cũng may mắn như mình, chỉ khi biết chia sẻ thì mình mới thực sự cảm thấy hạnh phúc.
"Lòng nhân ái là một giá trị cốt lõi giúp xây dựng một xã hội công bằng, hòa bình và hạnh phúc. Những hành động nhỏ của trẻ hôm nay sẽ là nền tảng để xây dựng những con người trưởng thành đầy lòng nhân ái và trách nhiệm với xã hội mai sau" - chị Thu An đúc kết.
Vai trò của truyền thông
Theo chị Tâm Yến, những câu chuyện đăng trên báo, phát trên truyền hình, những cuộc thi viết về lòng tốt được truyền thông, lan tỏa sẽ xây dựng tinh thần cộng đồng; khuyến khích trẻ học tập và noi theo. Ngoài ra, chị Tâm Yến lưu ý khi tham gia các hoạt động từ thiện, trẻ nên được khuyến khích tự quyết định để thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng.
Theo Báo NLĐ