PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo Viện Pasteur TP HCM, cho biết ai cũng có thể nhiễm cúm, nhất là người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền mạn tính (tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường...), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Gây nhiều biến chứng
Theo BS Cao Hữu Nghĩa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, không ít người đã ngộ nhận, lơ là, chủ quan trong phòng ngừa cúm vì cho rằng Covid-19 và cúm là giống nhau. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh khác nhau do các virus khác nhau gây ra. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm cúm mùa, kể cả những người khỏe mạnh và các biến chứng do cúm gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền).
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận hằng năm có khoảng một tỉ ca mắc cúm mùa với 3-5 triệu ca bệnh nặng. Trong đó, có đến 650.000 ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương mỗi phút có một người tử vong vì cúm. Hầu hết trường hợp tử vong liên quan tới cúm xảy ra ở người trên 65 tuổi.
Đáng chú ý, cúm mùa không chỉ là bệnh lý đường hô hấp thông thường mà còn là tác nhân gây trầm trọng hơn các bệnh lý nền khác, như bệnh lý tim mạch, thậm chí dẫn đến tử vong. Ở trẻ nhỏ, cúm mùa gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, làm trầm trọng hơn các bệnh lý đang có, đặc biệt là gây nguy cơ viêm cơ tim.
"Cúm mùa còn là tác nhân thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch. Một người nhiễm virus gây cúm mùa vẫn có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2" - BS Nghĩa cảnh báo.
Tiêm vắc-xin là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả phòng bệnh cao. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
"Chiếc áo" phòng thủ
BS chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, cho hay cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp và gây ra bởi 2 phân type virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và 2 dòng virus cúm B/Yamagata, B/Victoria. Trên thế giới, ở các nước vùng ôn đới, cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông - xuân (tháng 11-12 đến tháng 2-3 năm sau). Ở các nước vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm mùa có thể xảy ra quanh năm. Tỉ lệ mắc bệnh cúm hằng năm ở Việt Nam ước tính là 5% - 10% ở người lớn và 20% - 30% ở trẻ em.
"Đặc trưng virus cúm là có khả năng thay đổi rất nhanh, hiện nay có 4 type cúm nguy hiểm đang lưu hành trên toàn cầu nhưng may mắn đều đã có vắc-xin chủng ngừa. Để theo dõi biến chủng của cúm mùa, WHO đã đặt rất nhiều trạm nghiên cứu trên toàn cầu nhằm kịp thời ghi nhận biến chủng, bảo đảm sự tương thích giữa chủng virus cúm có trong vắc-xin và virus cúm lưu hành trong thực tế, thành phần của vắc-xin cúm sẽ được cập nhật hằng năm dựa trên khuyến cáo về công thức vắc-xin cúm của WHO" - BS Chính thông tin.
Các cơ quan y tế trên thế giới (WHO, US-CDC) và Bộ Y tế khuyến cáo: Tiêm vắc-xin cúm hằng năm là biện pháp hiệu quả - như là "chiếc áo" phòng thủ - để phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tiêm phòng cúm hằng năm vẫn rất quan trọng để bảo đảm khả năng miễn dịch của quần thể, giúp giảm nguy cơ nhiễm cúm, từ đó giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19.
Ngoài ra, tiêm ngừa cúm cũng giúp giảm nguy cơ nhập viện do cúm, hạn chế quá tải hệ thống y tế vốn đang chịu nhiều áp lực từ Covid-19, đồng thời cũng giúp giảm số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả cúm và Covid-19.