Khuyến nghị này của WHO được dựa trên dữ liệu từ 6 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với 4.796 bệnh nhân tham gia cho thấy ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ đến trung bình, Molnupiravir có thể làm giảm thời gian nhập viện, giảm thời gian triệu chứng của bệnh và có thể làm giảm tỷ lệ tử vong.
Theo khuyến nghị trên, việc điều trị bằng molnupiravir được thực hiện cho những bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình và có yếu tố nguy cơ nhập viện cao bao gồm: người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, người già, người bị suy giảm miễn dịch và /hoặc có các bệnh mãn tính (ví dụ: bệnh tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp). Liều khuyến cáo cho molnupiravir là uống 800 mg mỗi 12 giờ mỗi ngày trong 5 ngày.
Do đó, các bệnh nhân có bệnh nền như ung thư đang điều trị, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, béo phì (BMI≥25), bệnh tim mạch (suy tim, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim) hay tiểu đường,…nên dùng thuốc càng sớm càng tốt trong thời gian mắc bệnh hoặc dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Quan trọng hơn, bệnh nhân cần tiếp tục duy trị thuốc điều trị bệnh nền ngay cả khi đang dùng Molnupiravir bởi điều này cần thiết để ổn định toàn trạng cũng như giảm nguy cơ tiến triển nặng. Hiện tại, chưa ghi nhận tương tác có hại giữa Molnupiravir và các thuốc khác.
Ngoài ra, khi đã khỏi COVID-19 thì bệnh nhân cần tiếp tục thực hiện 5K để tránh tái nhiễm. Vì vẫn có thể tái nhiễm một biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hoặc sau nhiều tháng khả năng bảo vệ của kháng thể đã giảm sút.
Theo VTC