Đó là kết luận của nhóm nghiên cứu từ Đại học Y tế và Khoa học Oregon (OSHU - Mỹ). Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí y học JAMA, khẳng định nhiễm xuyên miễn dịch, hay còn gọi là "nhiễm đột phá" trong bệnh Covid-19, sẽ giúp bệnh nhân có được "siêu miễn dịch".
Tiêm ngừa giúp bạn sở hữu siêu miễn dịch chống lại mọi biến thể SARS-CoV-2 nếu thành F0 sau đó (Ảnh minh họa từ Internet)
Tờ Medical Xpress dẫn lời phó giáo sư về vi sinh phân từ và miễn dịch học Fikadu Tafesse từ Trường Y thuộc OSHU cho hay kháng thể được đo trong mẫu máu của các bệnh nhân nhiễm xuyên miễn dịch hiệu quả hơn tới 1.000% so với kháng thể được tạo ra trong 2 tuần sau mũi tiêm thứ 2 của vắc-xin Pfizer, loại được sử dụng phổ biến ở Mỹ.
Nghiên cứu còn khẳng định phản ứng miễn dịch của những bệnh nhân đặc biệt này có thể có hiệu quả cao đối với các biến thể khác của SARS-CoV-2, bao gồm các biến thể hiện tại và cả các biến thể tương lai, nếu SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến.
Kết quả này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều biến thể SARS-CoV-2 khác nhau để đo phản ứng trung hòa chéo giữa các biến thể. Điều này có nghĩa, nếu bạn đã tiêm ngừa sau đó nhiễm bất kỳ 1 biến thể SARS-CoV-2 nào, bạn vẫn sẽ chống lại biến thể khác một cách mạnh mẽ.
PGS Tafesse cho biết họ đang tiếp tục thử nghiệm với các ca "nhiễm đột phá" biến thể Omicron nhưng dựa vào các bằng chứng trước đó, có thể dự đoán rằng các bệnh nhân nhiễm Omicron sau tiêm chủng cũng có được siêu miễn dịch này.
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên 26 bệnh nhân nhiễm bệnh nhẹ sau tiêm chủng. Trong đó, 10 trường hợp nhiễm biến thể Delta, 9 trường hợp không phải Delta và 7 trường hợp chưa xác định được biến thể.