Chiêu trò "vẽ bệnh, moi tiền" của các phòng khám đều chung kịch bản: khi người bệnh vào các phòng khám sẽ được yêu cầu thực hiện một loạt xét nghiệm, siêu âm. Sau đó, họ được tư vấn bệnh nặng, nguy hiểm, thậm chí ung thư nếu không điều trị ngay. Để người bệnh không có đường thoái lui, những lời "dọa dẫm" này còn được các phòng khám tung ra khi nạn nhân đang nằm trên bàn phẫu thuật.
Vi phạm tái diễn
Mới đây, Sở Y tế TP HCM cho biết đơn vị vừa xử lý 2 phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" sau thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế. Đó là Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu (quận 5) và Phòng khám Đa khoa Nam Việt (quận 10).
Cụ thể, chiều 25-3, Thanh tra Sở Y tế có tiếp nhận thông tin phản ánh của người bệnh từ đường dây nóng 098.940.1155 với nội dung: Bệnh nhân nam, 20 tuổi, đang làm thủ thuật cắt bao quy đầu tại Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu với giá 7 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ thuật lại bị vẽ thêm bệnh khác và yêu cầu đóng thêm 15 triệu đồng.
Chiều hôm sau, 26-3, đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế lại nhận được thông tin: Bệnh nhân đến Phòng khám Đa khoa Nam Việt (địa chỉ 202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10) tư vấn phá thai không đau với giá 17 triệu đồng, nhưng khi thu tiền là 24 triệu đồng. 7 triệu đồng tăng thêm là phí dịch vụ và không nói rõ dịch vụ gì; không có hồ sơ bệnh nhân, không có biên lai thu tiền.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Thanh tra Sở Y tế triển khai ngay 2 đoàn kiểm tra phối hợp với 2 phòng y tế của quận 5 và quận 10 kiểm tra 2 phòng khám trên.
Tại phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Hoàn Cầu (địa chỉ 80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5), đoàn thanh tra ghi nhận có người bệnh như trong phản ánh đã đến khám chữa bệnh và ra về trước đó. Bệnh nhân này cho biết từng khám chữa bệnh tại đây. Vừa qua, khi thăm khám, vì chi phí tại phòng khám cao hơn so với dự kiến nên phải nhờ người quen gọi đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế để nhờ giúp đỡ.
Còn tại Phòng khám Đa khoa Nam Việt, thời điểm kiểm tra ghi nhận có mặt nữ bệnh nhân. Bệnh nhân cho biết đến đây để thực hiện chấm dứt thai 6 tuần 1 ngày tuổi.
Cả 2 trường hợp này, Thanh tra Sở Y tế đều phát hiện có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh. Đáng lưu ý, cả 2 phòng khám trên đều từng vi phạm các quy định hành nghề, bị xử phạt và đình chỉ hoạt động có thời hạn. Thanh tra Sở Y tế đang làm việc với đại diện 2 phòng khám để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sở Y tế TP HCM cho biết các phòng khám thường có vi phạm gần giống nhau khi ngành y tế kiểm tra như: người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá chuyên môn... Những sai phạm này cứ lặp đi lặp lại dù đã bị xử phạt, thậm chí phạt ở khung cao nhất họ vẫn không sợ.
Theo bác sĩ Trần Văn Công, Giám đốc Phòng khám Sunshine TP HCM, những phòng khám moi tiền bệnh nhân thường tập trung ở các cơ sở thẩm mỹ, chữa trị những bệnh thầm kín. Đại đa số sai phạm rơi vào những phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc hay có yếu tố nước ngoài. Do đó, để kiểm soát được tình trạng này buộc phải có chính sách kiểm soát người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Cần khoanh vùng đúng những cơ sở dễ xảy ra tình trạng này để kiểm soát chặt chẽ hơn.
"Hiện đã có khung xử phạt đối với những cơ sở vi phạm. Để tình trạng này không lặp đi lặp lại, các cơ quan chức năng cần phạt mạnh tay hơn" - bác sĩ Công nói.
Người dân phản ánh hành vi sai phạm trong lĩnh vực y tế qua đường dây nóng hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến”. Ảnh: HẢI YẾN
Nhắm vào những người mắc bệnh khó nói
Một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cho hay tình trạng phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" không chỉ có ở TP HCM mà còn diễn ra tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành khác. Hầu hết các phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" đều quảng cáo rầm rộ, đặt tên na ná các bệnh viện lớn để người dân dễ nhầm lẫn. Phòng khám thường nhắm vào những người mắc bệnh khó nói như nam khoa, trĩ, phụ khoa… để dẫn dụ.
Trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ này gặp rất nhiều bệnh nhân bị tai biến, biến chứng khi điều trị ở các phòng khám. Cụ thể, một bệnh nhân bị trĩ, ngại đến bệnh viện để khám nên vào một phòng khám tại TP Cần Thơ. Ở đây, bệnh nhân được tư vấn phẫu thuật cắt trĩ với 3 mức giá là 2 triệu - 9,8 triệu - 14,8 triệu đồng, giá càng cao thì thời gian hồi phục và mức độ đau càng giảm. Thấy bệnh nhân chần chừ chưa đưa ra quyết định, nhân viên tư vấn liên tục hối thúc, dọa rằng không phẫu thuật ngay thì bệnh sẽ diễn tiến nặng dẫn đến ung thư, thậm chí tử vong. Bệnh nhân này lựa chọn gói phẫu thuật 9,8 triệu đồng, được hứa hẹn sẽ hết đau sau 3 ngày. Nhưng sau đó bệnh nhân cảm thấy đau hơn, phải đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ để điều trị.
Có trường hợp phòng khám mời gọi được bệnh nhân lên bàn phẫu thuật cam kết chi phí chỉ vài triệu đồng. Đến khi bệnh nhân đang được phẫu thuật thì lại thông báo thêm những bệnh khác để thu thêm tiền, đưa họ vào thế bị động, buộc phải chi đến hàng chục triệu đồng.
Nhiều kênh thông tin phản ánh
Sở Y tế TP HCM cho biết thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế qua nhiều kênh như: đơn, thư, email, báo chí… Các nội dung phản ánh thường tập trung vào các lĩnh vực như quảng cáo, hoạt động không phép; sử dụng người không bằng cấp; không niêm yết giá dịch vụ y tế, bệnh nhân bị "vẽ bệnh" và phải sử dụng dịch vụ với giá rất cao… Mặc dù Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp các phòng chức năng, phòng y tế quận, huyện chủ động triển khai nhiều giải pháp như tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật trong hành nghề y dược tư nhân, tổ chức tập huấn chuyên đề và các quy định của pháp luật cho bác sĩ người nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm… nhưng những hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế vẫn tồn tại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Để đa dạng hóa các kênh tiếp nhận thông tin, bên cạnh nhiều kênh phản ánh như trên, từ năm 2020, ngành y tế đã triển khai ứng dụng "Y tế trực tuyến". Với ứng dụng này, người dùng dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân hoặc cơ sở hành nghề trong lĩnh vực y tế đến Thanh tra Sở Y tế, đính kèm các hình ảnh hoặc video clip về hành vi vi phạm (nếu có). Khi nhận được phản ánh, tổ chuyên trách phản ứng nhanh sẽ tiếp nhận thông tin, sàng lọc, xác minh, phân loại theo cấp độ và chuyển ngay đến bộ phận xử lý bảo đảm đúng thời gian quy định.
Theo Sở Y tế TP HCM, có 3 cấp độ phản ánh. Cấp độ 1 (thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện) xử lý không quá 24 giờ; cấp độ 2 (thuộc thẩm quyền của thanh tra sở) không quá 48 giờ và xử lý không quá 72 giờ đối với phản ánh cấp độ 3 (thuộc thẩm quyền của thanh tra sở nhưng tính chất vụ việc phức tạp, cần sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban, ngành khác và Công an TP HCM).
Ngoài các kênh phản ánh trên, cuối năm 2022, quyết tâm trị nạn phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền", ngành y tế công khai đường dây nóng 098.940.1155. Khi tiếp nhận thông tin phòng khám có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền" qua kênh này, Thanh tra Sở Y tế sẽ triển khai đoàn kiểm tra đi xuống cơ sở ngay để kịp thời làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.
Tăng nặng hình thức xử phạt để răn đe
Sở Y tế TP HCM cho biết hành vi "vẽ bệnh, moi tiền" của các phòng khám liên tục tái diễn và từng bị xử phạt ở khung cao nhất. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay còn nhẹ, đó là phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 22-24 tháng.
Để giải quyết triệt để tình trạng phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền", Sở Y tế TP HCM kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó, cần quy định bác sĩ người nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu như: qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh. Bên cạnh đó, tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.