Có đến 1,3% người dân trên thế giới mắc viêm khớp dạng thấp, trong đó phần đông là phụ nữ. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch bị rối loạn và tấn công nhầm vào chính các mô bình thường trong cơ thể, gây ra tình trạng sưng đỏ, đau nhói và xơ cứng các khớp bàn tay, cổ tay, mắt cá chân, bàn chân và khớp gối. Để cải thiện tình trạng bệnh, việc tuân thủ chế độ ăn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng. Dưới đây là những thực phẩm người bị viêm khớp dạng thấp không nên ăn.
Thực phẩm giàu chất đạm
Các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, sữa, hải sản... có thể kích thích quá trình viêm tại khớp, từ đó làm khớp dễ sưng và tăng cảm giác đau nhức. Lý giải cho tình trạng này là do trong thành phần của chúng có chứa nhiều chất béo bão hòa – thúc đẩy giải phóng ra PG và cytokine gây nên phản ứng viêm.
Thực phẩm giàu tinh bột
Một số loại thực phẩm giàu tinh bột hay có chứa nhiều gluten như lúa mạch, lúa mì, bột sắn, bánh mì... có thể khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
Sản phẩm từ sữa
Chúng ta thường được khuyên uống (hoặc ăn) các sản phẩm từ sữa (như sữa tươi, sữa chua, phô mai…) để đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D cho cơ thể. Thế nhưng, sữa cũng góp phần làm tăng tình trạng viêm ở người bệnh RA. Đó là do chúng chứa chất béo bão hòa – tác nhân gây viêm.
Thực phần nhiều dầu mỡ
Những loại thực phẩm này có hàm lượng chất béo cao, đặc biệt là chất béo bão hòa, từ đó gây gia tăng hàm lượng cholesterol trong máu. Hệ quả cuối cùng là bệnh viêm khớp dạng thấp nặng hơn, cảm giác đau đớn các khớp kéo dài, thậm chí tăng nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thực phẩm nhiều muối
Nạp quá nhiều muối không chỉ có hại cho huyết áp mà còn làm các triệu chứng của RA có xu hướng trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên đặt mục tiêu nạp ít hơn 5g muối mỗi ngày.
Nước ngọt, rượu bia, chất kích thích
Nước ngọt có ga có hàm lượng aspartame cao, thường gây ra phản ứng viêm, đặc biệt là ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.Đồ uống có cồn, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá chứa rất nhiều yếu tố gây hại, làm tăng cholesterol trong máu, dễ khiến người bệnh bị suy nhược cơ thể và làm tăng nguy cơ lặp lại các cơn đau do viêm khớp dạng thấp với cường độ mạnh hơn.
Gia vị cay
Các loại gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt… là “thủ phạm” gây nên cơn nóng rát ở khớp, làm các mô bị sưng nặng hơn.
Những thực phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu omega-3: Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh tăng cường axit béo omega-3 trong chế độ ăn có thể giúp giảm viêm trong cơ thể. Các loại cá béo như cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích… là lựa chọn số 1.
Các loại rau củ quả giàu chất chống oxy hóa: Trái cây và các loại rau củ có màu sắc tươi sáng là nhờ flavonoid và carotenoid – những chất chống oxy hóa mạnh và giảm viêm. Chế độ ăn của người bệnh viêm khớp dạng thấp cần có nhiều loại rau quả màu xanh (bông cải xanh, rau bina, rau ngót, bí đao…), màu vàng (khoai lang, xoài, đu đủ…), màu cam (cà rốt, cam…), màu đỏ (táo, cà chua, dưa hấu…), màu trắng (bắp cải, củ cải, dưa lê…), màu tím (nho, mâm xôi, việt quất…).
Dầu ô liu có chứa các hợp chất phenolic có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh.
Ngũ cốc nguyên hạt: Khi ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, quinoa…) thay vì những loại đã qua chế biến (gạo trắng, mì, bún, bánh mì…) có thể giảm mức CRP trong cơ thể. Một lợi thế khác của việc ăn ngũ cốc nguyên hạt là chất xơ trong chúng tạo cảm giác no lâu. Nhờ đó, sẽ duy trì được cân nặng hợp lý để không tạo thêm áp lực lên khớp.
Các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt chia, hạt lanh, hạt dẻ cười…
Theo VTC