Năm nay, hai con nhà chị Nguyễn Thị Tiến (43 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) lên lớp 7 và 10 đều sử dụng sách giáo khoa mới. Theo giá sách mà nhà xuất bản đưa ra, chị nhẩm tính, riêng tiền sách các môn bắt buộc của hai con tốn hơn 500.000 đồng, đó là chưa kể sách Ngoại ngữ, sách bài tập, sách tham khảo...
Vợ chồng chị là lao động tự do, thời gian dịch COVID-19 vừa qua khiến tài chính gia đình gần như kiệt quệ. Trở lại cuộc sống bình thường mới chưa lâu thì giờ vợ chồng chị lại đau đầu khi phải bỏ thêm khoản tiền kha khá lo sắm sửa đồ dùng, sách vở cho con. Cộng cả tiền đóng học cho con cũng phải 15 triều đồng mới đủ.
Chị Lê Thị Mỹ Dung (45 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng trong hoàn cảnh tương tự. "Nói giá xăng, giá vàng tăng thì thấy không lạ mà nói giá sách tăng, lại tăng gấp đôi, gấp ba, tôi thấy rất lo ngại. Nhà tôi năm tới 2 con lên lớp 3 và lớp 7- đều học chương trình mới", chị Dung nói.
Với gia đình chị, việc giá sách tăng là cả câu chuyện lớn. Ngoài sách, phụ huynh còn phải "gánh" thêm đủ các khoản phí như đồ dùng học tập, quần áo. Chị đề nghị nhà xuất bản có chính sách trợ giá để tất cả học sinh đều được học sách chất lượng như nhau cả về nội dung lẫn hình thức.
"Câu chuyện sách giáo khoa tăng giá diễn ra nhiều năm nay. Với gia đình có điều kiện, việc mua sách có thể không thành vấn đề nhưng với những gia đình hoàn cảnh khó khăn thì lại là cả gánh nặng đè lên đôi vai phụ huynh mỗi dịp đầu năm học", chị nói.
Theo giá Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố, 2 bộ sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 mới (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo) giá từ 177.000- 310.000 đồng/bộ (cao gấp 2 - 3 lần giá sách hiện hành), chưa kể sách tiếng Anh và tùy tổ hợp học sinh lựa chọn.
Tương tự Bộ sách giáo khoa Cánh diều các lớp 3, 7, 10 mới (Công ty đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, Nhà xuất bản Đại học Huế phát hành) có mức giá từ 200.000 đến 255.000 đồng/bộ.
Giá của 3 bộ sách trên ở lớp 10 chưa bao gồm các môn học tự chọn. Giá sách các môn tự chọn dao động từ 35.000 - 39.000 đồng/cuốn, sách chuyên đề từ 13.000 - 20.000 đồng/cuốn. Theo ước tính một học sinh cần mua sách thuộc môn học bắt buộc, lựa chọn và chuyên đề như quy định của Bộ GD&ĐT cần khoảng trên 300.000 đồng/bộ sách lớp 10 (chưa tính sách ngoại ngữ, giáo dục địa phương).
Vì sao giá sách tăng?
Đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho biết, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa sẽ do nhiều đơn vị tham gia biên soạn, xuất bản, nhiều yếu tố phải tham chiếu để xây dựng sách giáo khoa nên giá khác so với thời kỳ cả nước chung một bộ sách giáo khoa/lớp.
Giá sách được xây dựng trên các yếu tố: Số lượng cuốn trong bộ sách giáo khoa mới (theo chương trình mới tăng so với chương trình hiện hành); chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…); chi phí vật tư, công in; chi phí marketing.
Khi thực hiện biên soạn sách theo chương trình mới, các đơn vị xuất bản phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn so với trước đây. Trong khi đó, với bối cảnh nhiều đơn vị cùng xuất bản sách, số lượng bản sách giáo khoa ở mỗi tên sách của một đơn vị xuất bản sẽ giảm so với thời kỳ trước. Các chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản sách giáo khoa sẽ cao hơn.
Về chi phí vật tư công in, để chuyển tải những yêu cầu đổi mới về nội dung theo định hướng phát triển năng lực, sách giáo khoa mới được in nhiều màu hơn, khổ sách lớn hơn (19cm x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ sách giáo khoa hiện hành 17cm x 24cm).
Khi nhiều nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản sách giáo khoa, việc phải cạnh tranh kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông…
Một điểm khác biệt lớn về nguồn vốn biên soạn sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới so với sách giáo khoa hiện hành là toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo không còn được cấp vốn từ ngân sách nhà nước hay vay vốn Ngân hàng Thế giới. Các nhà xuất bản phải tự lo phần này nên giá sách mới tăng cao là điều dễ hiểu.
Theo tính toán của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa mới.
Đại diện Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cũng cho biết, bên cạnh sách giáo khoa giấy, học sinh còn được thực hành, trải nghiệm trên những cuốn sách điện tử, có điều kiện tương tác, trau dồi kiến thức, kỹ năng trên môi trường kỹ thuật số. Đây cũng là chi phí được tính vào giá sách giáo khoa.
Các đơn vị xuất bản cho biết thêm, sách giáo khoa mới được lựa chọn sử dụng giấy tốt, chống lóa. Sách được in đẹp, nhiều hình ảnh, tranh vẽ hấp dẫn phù hợp với tâm lý học sinh. Sách cũng có những điều chỉnh về kích cỡ, về số trang. Đó là những lý do các đơn vị đưa ra để lý giải về chi phí đầu vào bị đội, dẫn tới việc phải tính toán giá bìa ở mức cao hơn mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được.
Nhiều ý kiến cho rằng dù giải trình về chi phí tác động đến giá bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bộ Chân trời sáng tạo và bộ Cánh diều là hợp lý, nhưng Bộ GD&ĐT cần xem xét và có điều chỉnh, bổ sung quy định về mặt chuyên môn để giảm chi phí không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh 2 năm qua kinh tế kiệt quệ do dịch COVID-19.
Thương mại hoá sách giá khoa
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu sách giáo khoa chỉ phục vụ giáo dục thì không đến nỗi chênh giá như vậy. Vấn đề hiện nay, sách giáo khoa mang yếu tố thị trường và "đánh" vào nhu cầu giả khiến phụ huynh phải mua cả bộ nên tăng giá.
"Người ngoài nhìn vào cứ tưởng người học cần tất cả số sách giáo khoa này. Thực tế người học chỉ cần một số cuốn căn bản nhưng người bán sách giáo khoa vẫn đưa vào và bán được cả bộ nên rất lợi", GS Phạm Tất Dong nói. Hiện chúng ta chưa quản lý được thị trường sách giáo khoa và đang bị thương mại hóa quá nặng. "Nên chăng cần một bộ sách giáo khoa chính thống để quản lý chặt. Còn lại, phụ huynh học sinh có thể tham khảo tất cả các bộ sách giáo khoa khác trong xã hội", ông nhấn mạnh.