Bà N.T.K.A (65 tuổi, quê Nam Định) đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám với triệu chứng ho kéo dài một năm. Theo đó, bà thường xuyên xuất hiện những cơn ho dai dẳng, khạc đờm, khó thở, đi khám tại nhiều cơ sở y tế được chẩn đoán hen phế quản, điều trị không cải thiện.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chụp CT ngực phát hiện dị vật trong lòng phế quản thùy dưới trái. Ngay sau đó, bác sĩ đã nội soi phế quản ống mềm gắp dị vật.
Toàn bộ niêm mạc phế quản đáy trái của bệnh nhân lúc này đã phù nề, xung huyết, nhiều dịch mủ, chảy máu, dị vật nằm sâu trong lòng phế quản. Bệnh nhân có nhiều cơn giảm oxy máu gây khó khăn trong việc gắp dị vật.
Sau đó, các chuyên gia hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định điều trị kháng sinh, chống viêm tích cực và can thiệp nội soi ống cứng gắp dị vật. Ca can thiệp được thực hiện trong 30 phút tại phòng mổ và dị vật là chiếc xương ca được gắp ra khỏi phế quản. Sau đó, bệnh nhân đỡ khó thở, giảm ho, ăn uống sinh hoạt bình thường.
Phó giáo sư, bác sĩ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dị vật phế quản là các vật lạ rơi vào và mắc lại ở trong lòng phế quản của bệnh nhân.
Dị vật bị bỏ quên trong phế quản thường gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân ngay lập tức có triệu chứng dị vật xâm nhập điển hình như hóc, nuốt sặc, khó thở, tím tái. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua dẫn tới không để ý lâu dần gây ho, khò khè, khạc đờm, sốt, viêm phổi tái diễn nhiều lần, áp xe phổi…
Hóc dị vật hay gặp trong sinh hoạt hằng ngày như xương cá, hạt hồng xiêm, hạt lạc… Vì vậy, bác sĩ Phương khuyến cáo trong khi ăn uống mọi người cần chú ý không ăn vội vàng, nhai kỹ, nuốt chậm để phòng ngừa dị vật lọt vào đường thở.
Khi người bệnh có các triệu chứng khi ăn như sặc, ho kéo dài cần đi khám ngay để kịp thời phát hiện dị vật đường thở, tránh biến chứng có thể nguy hiểm.