Sở Y tế Hà Nội thông tin, từ 18h ngày 2/1/2022 đến 18h ngày 3/1/2022, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.106 ca mắc COVID-19, trong đó có 366 ca cộng đồng. Từ 12h trưa 3/1, quận Thanh Xuân tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày... Đến nay, việc quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng, thể nhẹ tại nhà đang được ngành chức năng Hà Nội triển khai tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã.
Từ 6h ngày 2/1 đến 6h ngày 3/1, Bắc Ninh ghi nhận 533 ca mắc COVID-19 mới trong đó có 403 ca tại cộng đồng, 130 ca ở khu cách ly, phong tỏa, xâm nhập, nhập cảnh. Đây là số ca cộng đồng cao nhất từ trước đến nay tại tỉnh này. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, huyện Tiên Du và TP Từ Sơn là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất của tỉnh Bắc Ninh với cùng 166 ca; thành phố Bắc Ninh 101 ca.
Theo thông tin từ ngành y tế Hải Phòng, ngày 3/1, toàn thành phố có thêm 578 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 11.518. Cụ thể có 281 ca diện F1, 285 ca là người dân tự đi làm xét nghiệm, còn lại là trường hợp sàng lọc ở các khu công nghiệp tại An Dương.
Ngày 3/1, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 113 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tại các huyện: Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La, Thành phố, Vân Hồ, Yên Châu, Sông Mã và Phù Yên. Các bệnh nhân dương tính là các trường hợp F1 liên quan đến các ca dương tính phát hiện trước đó, một số trường hợp phát hiện tại cộng đồng và liên quan đến một số ổ dịch, có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người, nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ở mức cao.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, hiện nay, mỗi ngày, địa phương này ghi nhận khoảng 700 ca mắc mới COVID-19, trong đó phần lớn các ca mắc mới trong cộng đồng. UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành văn bản thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn. Theo phân loại cấp độ dịch COVID-19 mới nhất, tỉnh Bình Phước có 10/11 huyện, thị xã, thành phố ở vùng cam, nguy cơ dịch cấp độ 3 gồm: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú, Bù Đăng, Chơn Thành, Phú Riềng. Còn huyện Bù Đốp đang thuộc vùng nguy cơ dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình).
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, từ ngày 27/1/2021 đến 2/1/2022, số mắc Covid-19 mỗi ngày được ghi nhận tại tỉnh đều trên 200 ca. Trong đó, 3 ngày liên tiếp là 27, 28 và 29/12, số ca mắc cao chưa từng có, lần lượt là 358, 394 và 483 ca. Với hơn 2.100 ca mắc trong tuần, Lâm Đồng đã có tổng cộng hơn 10.860 ca Covid-19, nhiều thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên; 3.790 ca đang điều trị, nhiều nhất khu vực.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh quyết định đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu tiêm mũi vaccine thứ 3 hoàn thành trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo kế hoạch, sẽ có trên 900.000 người từ 18 tuổi trở lên trong toàn tỉnh được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều nhắc và bổ sung. Việc tiêm mũi 3 này, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trong tháng 1/2022 sẽ tiêm khoảng 700.000 liều. Trong tháng 3/2022 sẽ tiêm vét những ai chưa đủ điều kiện tiêm tại thời điểm này và nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn nhân viên y tế và chính quyền cơ sở để tổ chức tốt điều trị tại nhà, tại cơ sở cho người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thấp và trung bình; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.