Các nhà khoa học Tây Ban Nha phát hiện ăn sáng sau 9h làm tăng 59% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 so với ăn trước 8h. Bỏ bữa sáng sẽ khiến khả năng mắc bệnh cao hơn.
Nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona còn cho thấy ăn tối muộn (sau 22h) cũng gây ra tác hại tương tự. Kết quả phân tích ghi nhận những người ăn nhiều bữa nhỏ khỏe mạnh hơn nhóm ăn ít bữa nhưng hấp thụ lượng lớn trong mỗi lần.
Tác giả chính, Tiến sĩ Manolis Kogevinas, thông tin: "Kết quả của chúng tôi chứng minh bữa ăn đầu tiên trước 8h và bữa ăn cuối cùng trước 19h giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2".
Theo The Sun, các chuyên gia lý giải tác dụng trên do quá trình trao đổi chất cần phù hợp với đồng hồ bên trong cơ thể, còn gọi là nhịp sinh học. Đồng hồ sinh học của cơ thể phản ứng với ánh sáng, ban ngày là tín hiệu để thức dậy còn khi bóng tối buông xuống, bạn cần đi vào giấc ngủ. Chế độ ăn uống của bạn nên tuân theo quy luật này.
Các nghiên cứu trước đây đã cho rằng việc ăn uống không đồng bộ với nhịp sinh học có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và thừa cân.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng nghiêm trọng khi lượng đường trong máu quá cao. Nguyên nhân do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả. Insulin là loại hormone mở khóa các tế bào của cơ thể để glucose đi vào - nếu không, glucose sẽ tích tụ trong máu.
Có hai loại bệnh tiểu đường chính, loại 1 và loại 2 - cả hai đều nghiêm trọng nhưng khác nhau.
Nếu một người mắc loại 1, cơ thể không sản xuất bất kỳ loại insulin nào. Trong khi mắc loại 2 có nghĩa cơ thể thiếu insulin hoặc insulin không hoạt động hiệu quả và có liên quan đến lối sống.
Khoảng 90% bệnh nhân tiểu đường mắc loại 2.
Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Nhưng các chuyên gia cảnh báo bệnh tiểu đường đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn ở những người dưới 40 tuổi so với nhóm trên 40 tuổi.
Các dấu hiệu phổ biến của bệnh bao gồm đi vệ sinh nhiều, đặc biệt vào ban đêm, hay khát nước, cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, giảm cân không chủ ý, ngứa bộ phận sinh dục, vết cắt và vết thương lâu lành hơn, mờ mắt.
Triệu chứng bệnh phát sinh do lượng glucose không được sử dụng làm năng lượng nên tồn đọng nhiều trong máu. Những dấu hiệu này phổ biến ở cả trẻ em và người lớn.
Tuy nhiên, người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 1 có thể khó nhận ra các triệu chứng của họ hơn.
Theo Vietnamnet