Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận 2 trường hợp người trẻ mới 19 tuổi và 25 tuổi vào viện trong tình trạng ngộ độc rượu.
Nữ 19 tuổi tại Hà Nội trước khi vào viện có đi uống cocktail với bạn ở quán. Cô gái trẻ uống rượu nhưng không ăn gì, nên khi về nhà cảm thấy mệt mỏi, đau đầu và lên giường ngủ luôn. Ban đêm, cô nôn nhiều và được gia đình đưa đi cấp cứu.
Nam, 25 tuổi cũng uống rượu với bạn mà không ăn. Về tới nhà thấy mệt nên người này đi ngủ luôn, sáng sớm hôm sau không thể dậy được, người mệt mỏi.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hai bệnh nhân vào viện trong tình trạng toan chuyển hóa, đường huyết giảm. Hai người đã tỉnh nhưng vẫn mệt, các bác sĩ đang xét nghiệm định lượng xem rượu có methanol hay không.
Theo bác sĩ Nguyên, thói quen của người trẻ uống rượu không ăn gì rất nguy hiểm. Vì khi uống rượu sẽ gây ra tình trạng “no giả", nghĩa là bụng no nhưng thực tế cơ thể đang thiếu năng lượng. Trung tâm chống độc đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ tuổi vào cấp cứu đường máu về mức 0.
“Đa phần mọi người uống rượu xong sẽ đi ngủ luôn không ăn uống gì gây hạ đường huyết và rơi vào hôn mê. Đã có trường hợp vào cấp cứu đã có tổn thương não”, bác sĩ Nguyên nói.
Một số trường hợp uống rượu quá nhiều cơ thể không thể dung nạp được dẫn tới nôn nhiều, xảy ra tình trạng tụt huyết áp, suy thận, mất nước, thậm chí là ảnh hưởng dạ dày, thực quản…
Rượu uống nhiều hay ít đều ảnh hưởng tới sức khoẻ. Để đảm bảo sức khoẻ bạn cần hạn chế tối đa uống rượu. Số lần uống rượu càng ít càng tốt. Rượu là chất gây nghiện và khó kiểm soát được. Những người này cần tránh uống rượu: Người không kiểm soát được hành vi; phụ nữ; trẻ em và trẻ tuổi vị thành niên; người có bệnh lý; người có thể trạng gầy yếu… Đặc biệt với người trẻ uống rượu cần phải chú ý ăn tinh bột để tránh hạ đường huyết.
Ngày Tết việc uống rượu là khó tránh được, để đảm bảo an toàn trong trường hợp bắt buộc phải uống rượu bia vị chuyên gia chống độc lưu ý không sử dụng quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần.
Một đơn vị cồn tương đương với khoảng 3⁄4 chai hay lon bia dung tích 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml (Bia tùy loại mà có chứa 1 - 12% cồn, thường khoảng 5%. Các loại bia ít cồn (hay bia không cồn) thường độ cồn cũng ở mức 0,05 - 1,2%).1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).
Với người uống rượu khi xuất hiện các dấu hiệu khó chịu nôn nhiều, mệt mỏi… cần đưa tới bệnh viện ngay để được nhân viên y tế hỗ trợ giải độc.