Sau khi thuốc viên điều trị Covid-19 Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck phát triển được đánh giá là bước ngoặt trong cuộc chiến chống Covid-19, tập đoàn dược phẩm Pfizer hôm qua (5/11) thông báo một loại thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 mới có thể giảm đến 89% khả năng nhập viện và tử vong. Dù đây là mới trong giai đoạn thử nghiệm nhưng các loại thuốc điều trị Covid-19 đang được các nước đua chen để đặt hợp đồng.
Kết quả thử nghiệm thuốc kháng virus có tên Paxlovid của Pfizer đạt công hiệu cao hơn thuốc Molnupiravir của công ty dược Merck. Tháng trước, nhà sản xuất tuyên bố Molnupiravir giúp giảm một nửa khả năng tử vong và nhập viện ở những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao phát bệnh nặng. Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho rằng đây sẽ là một vũ khí mới đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu và sẽ đẩy nhanh việc cung cấp sản phẩm càng sớm càng tốt.
“Đây là những tin tức tuyệt vời cho nhân loại và vượt xa mong đợi của chúng tôi. Chắc chắn nhu cầu rất lớn và điều này có nghĩa là rất nhiều sinh mạng có thể được cứu nếu tiến trình phê duyệt được thực hiện. Rất nhiều người, thay vì đến bệnh viện, họ có thể được điều trị ở nhà."
Pfizer cho biết họ có kế hoạch gửi kết quả thử nghiệm sơ bộ lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào ngày 25/11 tới. Các hoạt động thử nghiệm sẽ được dừng sớm hơn do tỷ lệ thành công cao. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính phủ nước này đã bảo đảm sở hữu hàng triệu liều thuốc điều trị Covid-19 của hãng Pfizer. Pfizer cũng đang đàm phán với 90 quốc gia về các hợp đồng cung ứng Paxlovid. Trước đó, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn loại thuốc viên Molnupiravir để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Công ty dược phẩm Meck cho biết dự kiến sản xuất 10 triệu toa thuốc Molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu toa trong năm 2022.
Những thông tin về các loại thuốc điều trị Covid-19 đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến các làn sóng mới bùng phát khi mùa đông đang đến gần và số ca tử vong tăng trở lại. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu xấp xỉ 250 triệu ca, trong đó trên 5 triệu người không qua khỏi. Châu Âu một lần nữa lại trở thành tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới tăng liên tiếp trong những ngày qua.
Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới Mike Ryan khẳng định: "Các nước châu Âu có năng lực, họ có khả năng tiếp cận vaccine, họ có tài chính và hệ thống y tế tốt để đối phó. Tôi nghĩ những gì đang diễn ra tại châu Âu là một cảnh báo cho phần còn lại của thế giới rằng dịch vẫn diễn biến phức tạp bất chấp việc khu vực này đang sở hữu một lượng lớn vaccine”.
Với số ca mắc mới đạt gần mức đỉnh so với thời kỳ bùng dịch mạnh vào năm ngoái (2020) nhưng việc áp dụng các chính sách hà khắc phong tỏa không nằm trong kế hoạch của nhiều quốc gia. Thay vào đó là các chiến lược sống chung an toàn với Covid-19, bao gồm đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng, đặc biệt cho nhóm trẻ em, kết hợp với việc sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19. Bất chấp khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, nhiều quốc gia vẫn đang đẩy mạnh các đợt tiêm mũi tăng cường khi các làn sóng dịch mới bùng phát.
Trong khi đó, Australia đã đạt tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ vaccine Covid-19 đối với 80% dân số trên 16 tuổi, một dấu mốc quan trọng trên con đường đưa nước này hướng đến cuộc sống bình thường mới.
Ngày hôm nay (6/11), Australia đã đạt được một dấu mốc mới trong chương trình tiêm chủng khi đã có 80% người dân từ 16 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và 89% người đã tiêm một mũi vaccine.
Với tỷ lệ này, Australia trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao hàng đầu trong số các nước phát triển, đồng thời nước này cũng có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với nhóm dân số trên 16 tuổi cao hơn Israel và Mỹ.
Đối với nhóm tuổi từ 12 đến 15, hiện đã có 70% trẻ em trong độ tuổi này được tiêm một mũi vaccine và khoảng 50% được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó, hơn 100.000 liều vaccine tăng cường cũng đã bắt đầu được tiêm cho người dân.
Trong bài phát biểu ngày hôm nay (6/11), Thủ tướng Scott Morrison ca ngợi đây là cột mốc tuyệt vời và điều này đạt được là nhờ sự tham gia của các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Thủ tướng Morrison cũng nhấn mạnh nỗ lực phi thường của tất cả mọi người đã góp phần cứu sống hơn 30.000 sinh mạng trong đại dịch. Ông bày tỏ lời cảm ơn tới tất cả mọi người dân Australia, nhưng đồng thời cũng không quên cảnh báo rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Hiện cơ quan y tế và chính quyền liên bang đang làm việc với các chính quyền địa phương để thống nhất về thời điểm mở cửa biên giới giữa các bang và phương án kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới, trong đó sẽ có điều chỉnh về thời gian cách ly đối với những người được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn mắc Covid-19.
Một nội dung quan trọng đang được chính phủ liên bang và các bang xem xét đó là kế hoạch đón sinh viên quốc tế trở lại Australia học tập. Hiện có gần 260.000 sinh viên nước ngoài được cấp thị thực học tập, nhưng hơn 148.000 sinh viên chưa thể đến Australia. Dự kiến trong tháng tới, sẽ có vài trăm sinh viên quốc tế được phép nhập cảnh Australia trong các chương trình thí điểm của các bang.
Mặc dù có tỷ lệ tiêm phòng vaccine cao, nhưng dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan tại Australia. Sáng nay, hai bang lớn nhất là New South Wales và Victoria tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới, lần lượt là 270 ca và 1.268 ca. Ngoài ra, tại các bang và vùng lãnh thổ khác cũng vẫn lẻ tẻ xuất hiện một vài ca nhiễm./.