Phình mạch máu não là hiện tượng thành mạch máu giãn khu trú tạo thành hình túi hoặc hình thoi. Dưới tác dụng của áp lực lên thành mạch máu, túi phình có thể gia tăng kích thước theo thời gian, gây chèn ép các tổ chức quan trọng xung quanh túi phình. Biến chứng nguy hiểm nhất của túi phình mạch máu não là túi phình có thể vỡ và gây ra xuất huyết dưới nhện, với tỉ lệ tử vong cao, từ 25-50%, có thể lên đến trên 80% nếu túi phình tái vỡ lần hai.
Theo chia sẻ của người bệnh, trong 02 năm trở lại đây, cô thường xuyên bị đau đầu mệt mỏi nên sử dụng thuốc để điều trị. Vào ngày nhập viện, cơn đau đầu tăng nặng, cộng thêm các triệu chứng mệt mỏi, nói khó, yếu liệt nửa người bên trái nên gia đình đưa đi cấp cứu. Sau thời gian 03 ngày theo dõi tại bệnh viện địa phương, người bệnh được chuyển sang BV Hoàn Mỹ Sài Gòn để thực hiện can thiệp mạch não.
Hình ảnh thể hiện túi phình trước và sau khi can thiệp
Chia sẻ về trường hợp này, ThS.BS. Phạm Định Chương, Khoa Nội Thần Kinh, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn – người trực tiếp thực hiện can thiệp cho chị G. cho biết: “Đây là trường hợp túi phình mạch não có kích thước lớn, nguy cơ vỡ túi phình cao. Do đó, việc điều trị để loại bỏ túi phình là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, túi phình kích thước lớn, cổ rộng không thể điều trị bằng phương pháp thông thường như thả coil (nút túi phình mạch não bằng vòng xoắn kim loại) hay phẫu thuật. Đối với những túi phình như thế này, việc điều trị bằng stent thay đổi dòng chảy là lựa chọn tối ưu.”
Hình ảnh 3D túi phình khổng lồ của chị G
Tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu, chuẩn bị và được can thiệp sớm ngay ngày hôm sau. Sau khi trao đổi kỹ với bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh và phương pháp điều trị, các bác sĩ đã thực hiện điều trị bằng phương pháp đặt stent thay đổi dòng chảy. Đây là một phương pháp điều trị mới, hiện đại, hiệu quả nhất hiện nay cho các túi phình có kích thước lớn. Stent sẽ hướng dòng chảy theo chiều mạch máu và không đổ vào túi phình nữa, về lâu dài túi phình sẽ huyết khối, tổ chức hoá và teo nhỏ lại, cổ túi phình sẽ liền với mạch máu (quá trình này gọi là nội mạc hoá), từ đó sẽ loại bỏ hoàn toàn túi phình. Quá trình can thiệp diễn ra thuận lợi và thành công, sau khi theo dõi thêm 1 ngày, tình trạng cô G. đã ổn định, hết đau đầu, có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, có thể tự mình thực hiện các chăm sóc cá nhân, không phụ thuộc vào người thân như lúc trước và được xuất viện ngay sau đó trong sự hạnh phúc của bệnh nhân, gia đình và các y bác sĩ.
Sau xuất viện, chị G. đã phục hồi chức năng vận động tốt
Tỷ lệ bắt gặp túi phình mạch não vào khoảng 4% trong dân số chung, với độ tuổi trung bình là 50, tỷ lệ như nhau ở cả nam và nữ. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm là rất quan trọng, để từ đó phát hiện và có chiến lược theo dõi định kỳ cũng như kế hoạch điều trị loại bỏ túi phình khi có chỉ định của bác sĩ.
BS. Chương khuyến cáo, đối với các trường hợp đau đầu dai dẳng, yếu liệt nửa người, nói đớ, có tiền sử bệnh thận đa nang, hút thuốc lá nhiều, tiền sử có người thân trong gia đình có túi phình mạch máu não, người bệnh nên thực hiện khám tầm soát túi phình mạch não sớm, phòng ngừa trường hợp vỡ túi phình, một trong những nguyên nhân gây ra trường hợp tử vong đột ngột ở người bệnh.
Hương Trà (Theo BS. Phạm Định Chương - BV Hoàn Mỹ)