Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh... Trong số đó, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy, chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Vì sao hậu COVID-19 lại bị tiêu chảy?
Ở bệnh nhân COVID-19, SARS-CoV-2 chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp (tế bào niêm mạc mũi, tế bào phổi, đại thực bào phế nang) và đường tiêu hóa (tế bào hấp thụ - enterocytes). Chúng xâm nhập thông qua sự tương tác trực tiếp giữa protein S (ở lớp vỏ) và men chuyển angiotensin 2 (ACE2) trên thụ thể tế bào.
ACE2 đóng một vai trò chính trong vận chuyển axit amin ở biểu mô ruột, một cơ chế liên quan đến việc sản xuất các peptit kháng khuẩn, điều này cho thấy vai trò của nó trong việc duy trì hàng rào ruột và cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Mất ACE2 làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của ruột với một số axit amin trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như tryptophan – chất đóng vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch, từ đó gây suy giảm miễn dịch tại ruột.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây cũng đã gợi ý rằng, sự chuyển hóa serotonin (5-hydroxytrytamine - một loại hormone và chất dẫn truyền thần kinh) bị thay đổi có thể là nguyên nhân cơ bản của các rối loạn tiêu hóa liên quan đến tiêu chảy.
Điều trị tiêu chảy hậu COVID-19
Tiêu chảy hậu COVID-19 có thể sẽ gây ra tình trạng mất nước nguy hiểm. Mất nước nhẹ rất thường gặp và được phục hồi nhanh chóng bằng việc uống nhiều nước, bù dung dịch điện giải. Tuy nhiên, tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể sẽ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, bởi tất cả cơ quan trong cơ thể đều cần một lượng dịch nhất định để thực hiện chức năng của chúng.
- Bù dịch: Trong đại đa số các trường hợp, mất nước do tiêu chảy (với bất kỳ nguyên nhân nào) đều có thể được điều trị hiệu quả bằng oresol (ORS). Tiêu chảy hậu COVID-19 cũng cần được bù dịch bằng oresol. Trong oresol có chứa glucose, kali clorid, natri citrat. Khi sử dụng, cần hòa tan bột thuốc hoặc viên thuốc trong nước theo hướng dẫn ghi trên nhãn của từng loại chế phẩm và dựa theo mức độ mất nước. Thuốc đã pha chỉ dùng trong 24 giờ. Với trẻ nhỏ cần cho uống từng ít một, uống chậm và nhiều lần.
- Thuốc giảm tiêu chảy hậu COVID-19 như Loperamid, Diphenoxylate: Loại này có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ co thắt ở hậu môn từ đó giảm số lượng và tần suất đại tiện. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng làm kéo dài thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm hiện tượng mất nước và điện giải, tăng độ đặc và giảm khối lượng phân. Tuy vậy, những loại thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ và chống chỉ định trên bệnh nhân suy gan, thận,… Cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng.
- Ăn chín - uống nước đã đun sôi.
- Có thể uống nước trái cây bổ sung thêm vitamin C và điện giải.
- Ăn nhiều rau xanh.
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường sống xung quanh.