Lý giải về đề xuất lộ trình cho trẻ từ mầm non đến lớp 6 trở lại trường học tập trực tiếp từ ngày 14-2, Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng dịch bệnh tại TP đã và đang được kiểm soát tốt. Gần như toàn bộ người dân TP HCM từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ hai, với độ phủ mũi 3 đang thực hiện. Cấp độ dịch của TP HCM đến ngày 6-1 là cấp độ 1.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, trẻ em và học sinh lớp 6 học trực tuyến trong thời gian dài sẽ phát sinh vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này có khả năng dẫn đến thừa cân, béo phì do hạn chế vận động; tật khúc xạ do thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử để học; ù tai do đeo tai nghe thường xuyên, đặc biệt là vấn đề sức khỏe tâm thần khi hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Mặt khác, tất cả trẻ em và học sinh trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non, tiểu học và lớp 6 chưa đến trường học tập trực tiếp (trừ học sinh tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) khiến một lực lượng lớn lao động là phụ huynh chưa thể tham gia lao động trực tiếp do phải ở nhà chăm trẻ.
Theo đề xuất, trẻ từ mầm non đến lớp 6 tại TP HCM sẽ đến trường học trực tiếp từ tháng 2-2022
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 1, 2 và lớp 6. Tuy nhiên, đến nay, học sinh các lớp này vẫn đang học trực tuyến ở nhà, gây khó khăn nhất định đến việc đảm bảo chất lượng nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiện nay, tỉ lệ học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp đều trên 90%, số ca F0 tại trường có phát sinh nhưng đều được xử lý theo quy định. Các cơ sở giáo dục THCS, THPT và GDTX đã thực hiện tốt việc tổ chức học tập. Theo đánh giá của Sở Y tế, TP HCM đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong môi trường học đường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tiểu học cho biết, sau một thời gian dài phải học trực tuyến, nhiều học sinh có dấu hiện mê chơi game, "nghiện" thiết bị điện tử. Trong khi đó, phụ huynh vẫn phải đi làm nên bắt đầu lơ là trong việc hỗ trợ con học tập trực tuyến.