Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đã được các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản,... tiến hành và đã cho thấy đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Kết quả theo dõi cho thấy các phản ứng xảy ra khi tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi ít hơn so với nhóm trẻ từ 12 - 18 tuổi.
Tiêm vaccine chủ động bảo vệ sức khỏe cho trẻ
Thực tế cho thấy, ngay sau khi học sinh quay lại trường học, số F0 ở trẻ em đã tăng lên rất cao. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ được coi là cần thiết, rất nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng và ngần ngại khi quyết định tiêm vaccine cho trẻ hay không?
Tiến sĩ M. Lloyd-Jones, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho biết: "Dữ liệu tiếp tục chỉ ra rằng lợi ích của việc tiêm chủng COVID-19 mang lại 91% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng của nhiễm COVID-19 nặng bao gồm cả nhập viện và tử vong - vượt xa nguy cơ rất hiếm gặp của các biến cố ngoại ý, bao gồm cả viêm cơ tim".
BSCK 2 Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em - Phòng khám chất lượng cao, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bên cạnh những tác dụng phụ thì tác dụng của vaccine trong việc phòng tránh bệnh trở nặng đã được chứng minh. Cùng với đó là hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ chưa được chích ngừa sau khi khỏi COVID-19 đã được ghi nhận, trong khi đó chưa ghi nhận trường hợp nào ở trẻ em đã chích ngừa gặp phải tình trạng này. Từ đó cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine rất lớn.
Hiện nay có hai loại vaccine phòng COVID-19 được chỉ định tiêm cho trẻ đó là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Vaccine Pfizer sẽ được sử dụng cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi và vaccine Moderna sẽ được sử dụng cho trẻ từ 6 - 11 tuổi. Một liệu trình gồm có 2 mũi cách nhau 4 tuần. Theo dự kiến việc tiêm phòng cho trẻ sẽ diễn ra vào tuần thứ 2 của tháng 4 sắp tới.
Liều lượng vaccine phòng COVID-19 chỉ định tiêm cho trẻ em bằng 1/3 so với người lớn. Việc giảm liều trên hoàn toàn không giảm hiệu quả chống lại virus của vaccine.
Đối tượng cần trì hoãn tiêm phòng
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vaccine phòng COVID-19 hay các thành phần khác của vaccine, trẻ đang gặp các bệnh mãn tính, cấp tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, đang điều trị hóa trị ung thư,... thì cần hoãn lịch tiêm tới khi kết thúc tình trạng bệnh.
Trong trường hợp trẻ em đã từng mắc COVID-19 chưa tới 3 tháng kể từ ngày khởi phát đến ngày tiêm thì không nên tiêm ngừa cho trẻ. Lịch tiêm sẽ được lùi lại để cơ thể có đủ sức, tạo điều kiện an toàn cho quá trình tiêm chủng.
Lưu ý cần biết để xử lý tác dụng phụ sau tiêm
Nỗi lo về những tác dụng phụ mà vaccine có thể gặp phải ở trẻ là nỗi lo lắng của rất nhiều phụ huynh. Theo các báo cáo, các phản ứng mà vaccine phòng COVID-19 tác dụng lên trẻ sau khi tiêm cũng tương tự với người lớn nhưng tỷ lệ gặp phải ít hơn và mức độ nhẹ hơn. Trẻ có thể gặp các phản ứng bất lợi như đau, sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, sốt, ban đỏ,... nhưng tỷ lệ gặp các phản ứng này chỉ ở mức 1/10.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ: "Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, nếu như tại vết tiêm có tình trạng chai cứng, nổi u cục, phát ban thì phụ huynh không cần quá lo lắng. Sau khoảng một thời gian tình trạng này sẽ biến mất hoàn toàn mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
Còn nếu như trẻ có gặp các triệu chứng như sốt, ho, tức ngực, mệt mỏi thì tình trạng này cũng sẽ thuyên giảm và ổn dần. Nếu cần thì phụ huynh có thể sử dụng các thuốc kháng viêm để tình trạng này nhanh chóng biến mất".
Để có thể kiểm soát được tình hình của trẻ sau khi tiêm và các tình huống xấu xảy ra, phụ huynh nên tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, tiến hành theo dõi trẻ 30 phút sau khi tiêm tại điểm tiêm.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần theo dõi trẻ 24/24 trong vòng 3 ngày đầu vì những phản ứng mạnh và nguy hiểm nhất thường xuất hiện vào thời gian này. Liên tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày tiếp theo. Ngay khi phát hiện trẻ có triệu chứng tức ngực, khó thở thì nên đưa trẻ tới trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời.