Nghiên cứu của bệnh viện Fortis C-Doc phối hợp với Viện Khoa học Y tế Ấn Độ và Tổ chức Bệnh tiểu đường cho thấy, bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh COVID-19 có khả năng bị mệt mỏi nhiều hơn đáng kể so với bệnh nhân COVID-19 khác. Hơn nữa, những người mệt mỏi ở mức độ cao có khả năng bị viêm cao hơn trong quá trình nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như tăng lượng đường trong máu sau đó.
Được biết, mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất mà những bệnh nhân đã hồi phục COVID-19 gặp phải.
Tiến sĩ Anoop Misra, giám đốc bệnh viện Fortis C-DOC, cho biết: “Mệt mỏi là một yếu tố chủ yếu và rất dễ gây suy nhược, xuất hiện ở cả bệnh nhân COVID-19 nhập viện và không nhập viện. Mệt mỏi và các triệu chứng kèm theo làm giảm chất lượng cuộc sống và cản trở khả năng lao động bình thường. Bệnh tiểu đường làm trầm trọng thêm bệnh COVID-19, khiến người bệnh khó hồi phục và dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, đồng thời cũng gây ra COVID kéo dài. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường mãn tính cần phải thực hiện lối sống lành mạnh, tuân thủ các hướng dẫn điều trị và đi kiểm tra sức khỏe định kỳ ”.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh mức độ mệt mỏi của 52 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc người mới khởi phát bệnh tiểu đường, có tiền sử mắc COVID-19 và 56 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nhưng không mắc COVID-19. Theo kết quả nghiên cứu, những người có mức độ mệt mỏi cao có khả năng gặp phải các triệu chứng và do đó, quá trình phục hồi của họ sẽ cần chú ý cẩn thận đến chế độ dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết và quy trình hoạt động thể chất.
Nghiên cứu mới này nhấn mạnh lại việc quản lý bệnh tiểu đường cần được duy trì nghiêm ngặt hơn trong thời kỳ đại dịch. Đường huyết và huyết áp phải ở mức tối ưu và cần phải quản lý đường huyết tích cực hơn. Ngoài ra, bệnh nhân nên đặc biệt lưu ý về chế độ dinh dưỡng và sử dụng các chất bổ sung protein và vitamin theo khuyến nghị của bác sĩ. Tập thể dục và vật lý trị liệu nên được bắt đầu sớm sau hồi phục COVID-19 vì nó không chỉ giúp giảm mệt mỏi mà còn có lợi cho sức khỏe tim mạch, phổi và tinh thần của bệnh nhân./.