Bị ngứa, xuất hiện nhiều mảng đỏ toàn thân suốt thời gian dài, nam thanh niên 17 tuổi từng đi khám nhiều lần ở bệnh viện tuyến huyện, điều trị thuốc bôi, uống, tổn thương có đỡ nhưng tái phát từng đợt.
Khoảng 1 năm nay, bệnh nhân không đi khám mà tự điều trị bằng các loại thuốc bôi mua trên mạng không rõ nhãn mác, thành phần. Dần dần, tổn thương lan rộng toàn thân, bệnh nhân ngứa đến mất ăn, mất ngủ mới đến viện khám.
Theo BSCK I Dương Thị Thúy Quỳnh, Khoa điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, qua khám lâm sàng, phát hiện trên người bệnh nhân xuất hiện các mảng đỏ hình tròn, hình đa cung ở thân mình, tay, chân, có vảy da, xu hướng lan rộng ra xung quanh, có sẩn đỏ, mụn mủ vùng ngực, lưng. Bệnh nhân ngứa nhiều tại vùng tổn thương.
"Kết quả soi tươi tìm sợi nấm phát hiện các sợi nấm chia đốt trên nền tế bào sừng. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm nấm da toàn thân, chỉ định điều trị với Itraconazole 200mg/ngày, thuốc bôi nấm tại chỗ", bác sĩ Quỳnh cho biết.
Chỉ sau 5 ngày điều trị, tổn thương da cải thiện, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị theo đơn tại nhà và hướng dẫn chế độ sinh hoạt, vệ sinh phù hợp để hạn chế tái phát.
Theo bác sĩ Quỳnh, bệnh da do nấm sợi (dermatophytes) là tình trạng nhiễm nấm nông ngoài da, bao gồm nấm thân, nấm mặt, nấm bẹn, nấm bàn tay, nấm bàn chân.
Nhiễm nấm sợi gây các tổn thương cơ bản là rát, mảng đỏ hình tròn hay hình đa cung, có vảy da, xu hướng lan rộng ra xung quanh và ngứa nhiều. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị, nhưng thường hay tái phát và có thể cần điều trị dự phòng lâu dài.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm sợi, như liên quan đến nuôi hoặc tiếp xúc với động vật; thể trạng béo và ra nhiều mồ hôi; sử dụng xà phòng có chứa alkaline; thường xuyên đi giày, sử dụng bồn tắm hoặc bể bơi công cộng...
Sau khi được chẩn bệnh, bác sĩ chỉ định thuốc bôi, uống đơn thuần hoặc kết hợp tùy theo mức độ bệnh. Bệnh nấm đáp ứng với điều trị khá tốt trong vòng 1-2 tuần điều trị.
Việc sử dụng thuốc điều trị không đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và cần thời gian điều trị kéo dài hơn. Như bệnh nhân này, thay vì điều trị 5 ngày đã cải thiện, đã mất cả năm bôi đủ thứ thuốc, khiến nấm lan rộng.
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nhiều người dân vẫn có thói quen tự điều trị khi có bệnh lý ngoài da. Có những bệnh trở nên rất nghiêm trọng, từ nấm, vảy nến, viêm da tiếp xúc do tự điều trị.