Một lần đi học về, bé Khải Minh bị ba mắng vì ham chơi la cà, không chịu làm bài tập. Nhưng sau bữa tối, Khải Minh lại lặng lẽ ngồi cạnh ba đọc sách, như thể cậu chưa từng bị mắng vậy.
Trên thực tế, nhiều người cho biết họ thường hay quát mắng con mình trong vô thức. Một nữ diễn viên nổi tiếng chia sẻ: “Khi con gái tôi làm đổ sữa, tôi đã tức giận hét lên: “Con làm sao vậy hả?”. Con bị mắng lập tức khựng lại, vẻ sợ hãi lộ rõ trong ánh mắt đến mức nín lặng không dám khóc. Nhưng chỉ chốc lát sau, con lại bẽn lẽn ôm tôi như chưa từng có chuyện xảy ra”.
Khi con không vâng lời, cha mẹ có thể quát mắng con, nhưng dù thế nào con vẫn không oán giận, vẫn ôm cha mẹ và nũng nịu.
Ảnh minh họa.
Tình cảm của các con thuần khiết hơn tình cảm của cha mẹ
Đối với con trẻ, cha mẹ là tất cả, là niềm tin duy nhất, là điểm tựa tinh thần. Vì cha mẹ là người sinh ra con, là người đầu tiên ôm con vào lòng để vỗ về âu yếm.
Các con không ôm hận cha mẹ khi bị mắng vì sợ xa cách, sợ mất mát. Trẻ em cần cảm giác an toàn để lớn lên. Còn sau khi bị la mắng, các con thường liên tục đòi ôm. Thực chất, đó là biểu hiện của sự cầu xin ba mẹ cho con sự an toàn.
Khi bị trách phạt, trong lòng mỗi đứa trẻ đều rất nhiều nỗi sợ hãi. Các con sợ không được ba mẹ yêu thương nữa, sợ cha mẹ sẽ bỏ rơi mình. Vì thế, dù có thể trong tâm các con rất buồn và rất sợ, nhưng trong tiềm thức các con vẫn hướng về cha mẹ rất tự nhiên – những người mà các con tin tưởng và cảm thấy an toàn nhất.
Dù không oán hận nhưng điều ấy không có nghĩa là các con không có cảm xúc hay hoàn toàn vô tâm. Nhưng các con cần sự an toàn, nên dù bị mắng thế nào vẫn cố gắng yêu thương cha mẹ nhiều hơn nữa.
Mỗi lần cha mẹ quát tháo mất kiểm soát là quá trình đẩy con đến bờ vực của sự bất an.
Ảnh minh họa.
Điều gì đang diễn ra trong tâm trí đứa trẻ bị la mắng?
Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng đứa trẻ bị mắng tuy không nói một lời nhưng trong lòng chúng đã có rất nhiều thay đổi.
Một số bé sẽ cảm thấy sợ – sợ tiếp xúc, sợ giao tiếp thậm chí sợ ở cùng ba mẹ. Nội tâm của các con sẽ tự chất vấn: “Ba mẹ la mắng mình nặng lời như vậy, chắc đã không thương mình nữa, ba mẹ không cần mình nữa sao?”.
Một số trẻ tự ti về bản thân, cảm thấy mình không làm được gì, cha mẹ không hài lòng nên mới la mắng.
Một số đứa trẻ có tư tưởng nổi loạn, chúng cảm thấy cha mẹ không hài lòng với chúng, chúng không nên làm gì cả. Vì vậy, chúng bắt đầu chống đối cha mẹ trong mọi việc, không hợp tác với cha mẹ, chúng dùng hành vi của mình để bày tỏ: “Muốn mắng thì mắng, dù sao con cũng không quan tâm”.
Ảnh minh họa.
Bất kể đứa trẻ đang nghĩ gì, đó đều là cảm xúc tương đối tiêu cực. Đối với các bậc cha mẹ, la mắng có thể đạt được kết quả tức thì. Các con sẽ trở nên ngoan ngoãn và tạm biết nghe lời. Nhưng cái giá phải trả cũng rất to lớn, đó là làm tổn thương trẻ.
Alfred Alder từng nói: “Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời thơ ấu”. La mắng trẻ tuy chỉ trong thời gian ngắn nhưng tổn thương mà nó mang lại thì dai dẳng, thậm chí có khi đeo bám trẻ suốt đời.
Cha mẹ cần làm gi nếu thường xuyên la mắng con vô cớ?
Xua tan nỗi sợ hãi của con
Hãy dành cho bản thân một phút an tịnh, bình tĩnh lại rồi nói với con: “Việc la mắng con, đó là lỗi của cha mẹ. Nhưng thật sự những gì cha mẹ suy nghĩ được khi ấy, là muốn con không phạm sai lầm và trừ bỏ tật xấu mà thôi. Hoàn toàn không có ý làm tổn thương con và càng không phải vì hết thương con đâu”.
Đó là những hành động thiết thực nhất để từng chút một xua tan sự sợ hãi, từng chút một tạo dựng lại sự tin tưởng và cảm giác an toàn cho các con.
Đảm bảo cho con cảm giác an toàn
Nếu bạn không thể không la mắng con, hãy trấn an con một cách tích cực. Ví dụ, nói với con rằng nếu có lần sau, cha mẹ nhất định sẽ cố gắng kiềm chế cảm xúc, cố gắng giải thích rõ ràng cho con hiểu, thay vì nổi nóng vô cớ.
Theo Giađinh Online