Ngày 14/7, WHO công bố kết quả cứu của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc WHO và nhóm nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), xếp chất làm ngọt aspartame vào danh sách cùng khoảng 300 các chất khác có thể gây ung thư.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy, chất làm ngọt thường dùng thay thế đường trong sản xuất thực phẩm này vẫn có thể được sử dụng an toàn ở mức độ và số lượng hạn chế.
Giám đốc dinh dưỡng của WHO, Tiến sĩ Francesco Branca cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo sử dụng ở mức độ hạn chế”.
Aspartame là gì?
Aspartame là chất làm ngọt nhân tạo có hàm lượng calo thấp và ngọt hơn đường khoảng 200 lần. Đây là một loại bột màu trắng, không mùi và là chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
Aspartame được phép làm phụ gia thực phẩm ở Châu Âu và Hoa Kỳ và được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, đồ uống như Diet Coke, món tráng miệng, kẹo cao su và thực phẩm giảm cân...
Aspartame đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt năm 1974, với lượng tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được là 50 miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng đã đánh giá mức độ an toàn của aspartame vào năm 1981 và đặt giới hạn an toàn hằng ngày thấp hơn một chút, ở mức 40 miligam aspartame trên mỗi kg.
GS danh dự tại Đại học Cambridge David Spiegelhalter cho biết, theo hướng dẫn này, trung bình một người có thể uống tới 14 lon đồ uống dành cho người ăn kiêng mỗi ngày.
Khuyến cáo của WHO
IARC đã tiến hành đợt đánh giá chưa từng có về khả năng gây ung thư của chất aspartame từ ngày 6-13/6 vừa qua. Nghiên cứu xếp chất aspartame vào danh sách các chất gây ung thư thuộc phân nhóm 2B, sau khi ghi nhận một số bằng chứng cho thấy chất này liên quan đến một loại bệnh ung thư gan. Mặc dù vậy, các thí nghiệm trên động vật cho thấy những bằng chứng này chưa đủ rõ ràng để khẳng định chất này là tác nhân gây ung thư.
Nhóm nghiên cứu thứ hai là Ủy ban chuyên gia chung về phụ gia thực phẩm do WHO cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) thành lập. Nhóm này đã có cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 27-6 đến 6-7 nhằm đánh giá các nguy cơ gây bệnh liên quan đến chất aspartame.
Giám đốc dinh dưỡng của WHO, Tiến sĩ Francesco Branca cho biết: “Chúng tôi không khuyến nghị các công ty thu hồi sản phẩm cũng như không khuyến nghị người tiêu dùng ngừng sử dụng chất này. Chúng tôi chỉ khuyến nghị sử dụng có chừng mực”.